Saturday, August 29, 2020

【Tokyo Subway Du Hý】Kỳ 2: Tokyo Metro MARUNOUCHI line - 東京地下鉄廻り②丸ノ内線

 




Khai thông sau Ginza line 27 năm, Marunouchi line vừa được thừa hưởng những cải tiến, nhưng cũng vừa phải chịu những giới hạn giống với Ginza line do công nghệ kỹ thuật của thời bấy giờ.

tên gọi được lấy theo tên địa danh Marunouchi, khu vực quanh ga Tokyo lúc bấy giờ và cũng là nơi mà mình đang đứng. Năm 1970, nơi đây đã được đổi tên từ「丸ノ内」→「丸の内」nhưng tên tuyến 丸ノ内線 vẫn được giữ nguyên như cũ. Marunouchi line có màu sắc chủ đạo là đỏ scarlet.


Đường tàu bắt đầu từ Ikebukuro, đi tắt nửa vòng Jr Yamanote line để đến ga Tokyo, sau đó đánh vòng theo hình chữ U đến Shinjuku, rồi đi thẳng đến Nakano sakaue, tại đây phân nhánh thành tuyến phụ đi Honancho trong khi tuyến chính tiếp tục cuộc hành trình hướng về Ogikubo.


Tổng cộng toàn tuyến có 28 nhà ga, độ dài 24.2 km tuyến chính và 3.2km phân nhánh. Vận tốc tối đa 75 km/h.

Cũng như Ginza line, Marunouchi line vận hành dựa trên hệ thống cấp điện điện áp 600V đặt dưới đường ray. Đây cũng là đường tàu cuối cùng của Tàu điện ngầm Tokyo sử dụng hệ thống đường ray thích hợp với dòng điện 600V này vì sau đó việc xây dựng đường tàu đã được chuyển sang xu hướng tương thích với hệ thống cấp điện bằng cáp trên cao thông qua pantograph. Một điểm tương đồng khác với Ginza line, Marunouchi line là tuyến tàu không nối dài do không liên kết với các công ty đường sắt tư nhân vì lý do về kỹ thuật, điện áp, cũng như kích thước tunnel. Thời gian thi công xây dựng hầm được chia làm nhiều giai đoạn cũng như chia theo phân nhánh chính phụ. Hầu hết hầm được thi công bằng phương pháp đào mở (!) Phương pháp đào mở, đúng với tên gọi của nó, đào từ mặt đất đào xuống, xây kết cấu tunnel xong lấp đất lại.



Tuy nhiên trong khoảng 231m từ ga Akasaka Mitsuke - đến Kasumi gaseki, tàu chạy ngay bên dưới con đường chia giữa Dinh Thủ Tướng và Tòa nhà Quốc Hội, độ sâu yêu cầu 23m dưới lòng đất khiến phương pháp thi công đơn giản kia gặp nhiều khó khăn hầu như không thể giải quyết. Đó cũng là lúc Shield Machine được đưa vào và đây cũng là đoạn đường tàu đầu tiên được đào bằng phương pháp này. (Shield Machine cũng là phương pháp được sử dụng để đào hầm từ Ba Son đến Bến Thành ở Sài Gòn hiện nay) Nó có thể đào được hầm ở độ sâu lớn, kích thước thiết kế riêng theo từng công trình, có thể băng qua dưới lòng sông hoặc thậm chí lòng biển. Gồm bánh răng đào đất ở phía trước, phần thân sau có nhiệm vụ đỡ tạm thời phần đất bị lấy đi trong khi việc lắp ghép segment, lớp vỏ tunnel, diễn ra ngay bên trong nó. Segment có nhiều loại, chủ yếu được làm từ bê tông chế tạo sẵn ở nhà máy, có độ chính xác cao, thời gian thi công ngắn và giá thành rẻ.



Tuy nhiên nếu đã nói về phần sâu nhất thì cũng phải nói đến chỗ nông nhất.

Đây cũng là một điểm thú vị khiến nhiều người mới đến TOKYO bất ngờ, đó là Marunouchi line mang tiếng là tàu điện ngầm, nhưng vẫn có đoạn tàu chạy trên mặt đất thậm chí nhà ga còn cao hơn cả mặt đường Đó là một điểm tương đồng nữa với Ginza line khi đường hầm của hai line này nhìn chung khá nông so với những line tàu khác do được xây dựng bám theo địa hình lồi lõm của Tokyo Cũng vì thế mà cao độ cao nhất cách điểm thấp nhất trong tổng thể đường tàu đến 45m, với những đoạn dốc đến 35%, (độ dốc mà các bạn hay phóng xe vi vu xuống hầm gửi xe thông thường là 15%)


Xem thêm về mặt cắt cao độ toàn tuyến của Marunouchi line:




Ảnh trên: cầu bắc qua sông Kanda, trước khi vào ga Ochanomizu



Ảnh trên: đường ray tàu chạy cao hơn mặt đường ở ga Korakuen


Đường link khảo sát tỷ lệ phủ xanh của Tokyo:



Yotsuya, một trong ga tàu điện ngầm trên mặt đất của Marunouchi line

Ga đầu tuyến, Ikebukuro thuộc khu phố Business của quận Toshima, quận có mật độ dân cư cao nhất Tokyo, nên cũng chẳng quá khó để hiểu vì sao nơi đây trở thành miếng bánh bị xâu xé bởi 4 công ty đường sắt lớn là JR, Tokyo Metro, Tobu và Seibu. Ikebukuro là một terminal khổng lồ với tổng cộng 8 line tàu giao nhau, đứng vị trí thứ 2 trên toàn thế giới về số lượng người lên xuống trung bình trong một ngày. 
(Vị trí thứ 1 không ai khác chính là ga Shinjuku)

Tobu và Seibu, 2 nhà ga của 2 line này lại nằm ngược hướng với nhau, cụ thể Seibu (西武 Tây Vũ)lại nằm ở cửa Đông, trong khi Tobu(東武 Đông Vũ)lại nằm ở cửa Tây.

Vì sao có chuyện ngược đời như vậy, để giải thích thì đi hơi xa đề và xa thời điểm hiện tại một chút, trở về năm 1914, thời điểm có một nhà ga mới được xây dựng kế bên nhà ga Ikebukuro có sẵn của đường sắt quốc gia, hay còn gọi là JR, bởi một công ty tư nhân, đó là Tobu, nói đúng hơn là tiền thân của Tobu Tojo line hiện giờ. 
東上 là viết tắt 2 chữ cái đầu của Đông Kinh - Tokyo và Thượng Châu - Gunma. Đông Thượng, không phải đi về phía đông bắc, mà chẳng qua chỉ là nối liền giữa Tokyo và Gunma. Vì tỉnh Gunma nằm ở phía tây bắc của Tokyo, nên đương nhiên, để đường tàu khỏi phải giao cắt rắc rối với JR, nhà ga mới của Tobu đã được chọn phía tây để xây dựng.
Còn Seibu, do xây sau, nên không còn lựa chọn nào khác phải xây ở cửa Đông.

Ngoài ra còn một số câu chuyện thú vị khác, chẳng hạn Ikebukuro ban đầu không được ngồi chung mâm với Yamanote như những vùng khác, nếu bạn nào có hứng thú có thể tìm hiểu thêm.



Nhà ga rộng mênh mông không thua kém gì mê lộ dưới hầm ở ga Tokyo. Hai cửa chính đông và tây như mở ra hai thế giới tách biệt. 

Trong master plan của quận Toshima có ghi về Phương châm phát triển cảnh quan đô thị phân biệt theo địa cục (tạm dịch) như sau
『地域別まちづくり方針』

Cửa Đông: 『多彩な魅力があふれる池袋副都心』
Phó trung tâm đô thị Ikebukuro - nơi tràn ngập những quyến rũ đa sắc thái
Là bộ mặt phố thương mại khu vực trung tâm của quận Toshima, nơi các thương hiệu chen chúc mở cửa hàng buôn bán, giới trẻ tập trung mua sắm, trải nghiệm, giải trí, cosplay... Đại diện của phố Đông, là trung tâm thương mại Sunshine 60 và khu phố Sunshine City

Cửa Tây:『芸術文化を育む池袋副都心』
Phó trung tâm đô thị Ikebukuro - nơi nuôi dưỡng văn hóa nghệ thuật

tách biệt với sự nhộn nhịp của cửa Đông, thêm một chút phong vị hơi hướng nghệ thuật, là những gì được định hướng phát triển cho phố Tây. Đại diện là Nhà hát Tokyo Metropolitan Theatre ở Công viên Cửa Tây.

Từ Ikebukuro đến Shinjuku, 2/3 đường tàu cũng là đoạn đường có mật độ tàu dày đặc nhất Nhật Bản
Tuy nhiên khả năng một người ngồi suốt trên Marunouchi line từ Ikebukuro đến Shinjuku là khá thấp, hoặc hầu như không có ai, trong khi chỉ cần chưa đến 10 phút nếu đi bằng JR, thì route đi hình chữ U của Marunouchi line tốn đến tận hơn nửa tiếng. 

Kế hoạch tăng điện áp từ 600V lên 750V cho Ginza line và Marunouchi line nhằm tăng tính ổn định vào năm 2022 đã được công bố dù chưa rõ thời điểm thực thi cụ thể cũng như sự khác biệt sẽ như thế nào. Tuy nhiên thay đổi, cũng là mang lại sự mới mẻ và cũng đáng để mong chờ.

Đi qua khu vực bận rộn bậc nhất Tokyo với tần suất thực tế 1 phút rưỡi 1 chuyến trong giờ cao điểm, Marunouchi line không chỉ được biết đến như một chuyến tàu "đầu tắt mặt tối" mà vẫn có những điểm thú vị khác quanh nó, bị chính những người đang sử dụng hàng ngày lãng quên, hoặc không nhận ra. 
Xin cảm ơn các bạn đã theo dõi 2 kỳ của Marunouchi line và hẹn gặp lại vào kỳ tới với Hibiya line. Thân ái chào tạm biệt!

Sunday, August 16, 2020

【Tokyo Subway Du Hý】Kỳ 1: Tokyo Metro GINZA line - 東京地下鉄廻り ①銀座線


Hệ thống tàu điện ngầm ở Tokyo, bao gồm 2 cái tên tiêu biểu Tokyo Metro và Toei Subway

Trong tiếng Anh Metro và Subway có nghĩa như nhau, nhưng đối với người dân Tokyo thì メトロ(Metro) mang ý nghĩa hạn hẹp hơn và được dùng như tên riêng của tuyến Tokyo Metro, còn 地下鉄 (Subway) là hệ thống tàu điện ngầm nói chung, không chỉ ở Tokyo mà còn ở các tỉnh khác.
         

⇒ ở một diễn biến khác thì từ đầu tháng 4 năm 2018, Osaka Municipal Subway đã bị đổi tên thành Osaka Metro và trên phần giới thiệu trang chủ còn khẳng định chắc nịch: 
「大阪メトロ」「大阪地下鉄」ではなく「Osaka Metro」と覚えてください!
(Osaka Metro, it's not Osaka Subway, please remember「Osaka Metro」)

Hệ thống tàu điện ngầm dưới lòng thủ đô Nhật Bản bao gồm tổng cộng 13 line, mỗi line đều có logo và những màu sắc chủ đạo riêng, được chia ra điều hành bởi 2 công ty đường sắt riêng biệt là Tokyo Metro và Toei - Cục Giao thông đô thị Tokyo
13 line này, mình sẽ giới thiệu lần lượt qua mỗi kỳ đăng bài.
・GINZA Line, chính là đường tàu điện ngầm lâu đời nhất ở Tokyo với đoạn đường từ Asakusa đến Ueno được khai thông vào năm 1927.
・Ngày nay, Ginza line nối liền giữa Asakusa và Shibuya, bao gồm 19 nhà ga, độ dài tuyến 19.2 km với 0.2km trên mặt đất.
・Thời gian di chuyển giữa hai ga trung bình là 2 phút, tần suất chạy trong giờ cao điểm cũng là 2 phút một chuyến. Tàu dừng ở mọi ga, không phân cấp tàu nhanh - tàu chậm.
Vì thế 2 phút cũng là khoảng thời gian chúng ta chỉ phải chờ để lên chuyến tàu tiếp theo chẳng may lỡ chuyến.
・Nối liền những địa điểm trọng yếu của Tokyo như Shibuya, Shinbashi, Ginza, Nihonbashi, Ueno, Asakusa. 

Ginza line còn là một trong 3 "tuyến không nối dài", không liên kết với các công ty đường sắt tư nhân khi ra khu vực ngoại thành, không thể nâng cấp về tốc độ và cũng không thể tăng số đường rail thêm nữa. (hai tuyến còn lại là Marunouchi line và Toei Oedo line) 
Như đã đề cập, Ginza line là tuyến đường được khai nghiệp sớm nhất ở Tokyo, với đường hầm kích thước tương đối nhỏ do chi phí cũng như kỹ thuật xây dựng lúc bấy giờ,
bề rộng đường ray 1,435m; platform nhà ga chỉ phù hợp cho toa tàu chiều dài 16m trong tổng thể đoàn tàu 6 toa.
Trần của đường hầm rất thấp nên hệ thống điều hòa không thể để trên nóc mà phải chiếm một không gian bên trong toa, cũng như hệ thống điện 600V phải đặt dọc kẹp theo đường ray tàu chạy.

Mặt cắt đường hầm của Ginza Line

Mặt cắt đường hầm của một line ngầm thông thường

Về cấu tạo của hệ thống điện, nếu bạn nào muốn tìm hiểu thêm có thể vào link của wiki: 第三軌条方式
Hiện nay thì hầu như mọi line tàu khác đều đang vận hành trên điện áp 1500V được cung cấp thông qua pantograph (パンタグラフ) , kết nối hệ thống đường dây điện chạy phía trên nóc tàu, nên kích thước tiêu chuẩn của tunnel cũng lớn hơn rất nhiều.

Vì Ginza line chạy qua khu vực có mật độ sử dụng luôn luôn ở mức cao, cộng với hệ thống ngầm chằng chịt xung quanh, khiến việc nâng cấp từ kích thước tunnel, đời máy lẫn đường ray tàu gặp khó khăn, cũng không quá lạ khi tàu chỉ có tốc độ tối đa 65 km/h (!)

Vào thời điểm tồi tệ nhất khoảng những năm 60, 70, 80 của thế kỷ trước, mỗi đoàn tàu phải gánh gần 250% lượng hành khách tiêu chuẩn có thể chuyên chở trong giờ cao điểm (ngày nay là 160%). Có những bài xã luận kể về thời điểm này với loại hình chính hiệu Nhật Bản: nhân viên nhà ga phụ đẩy, nhồi nhét hành khách vào tàu, những sự cố như vỡ kính, chấn thương (từ nhẹ đến nặng là dập lá lách) xảy ra như cơm bữa.
Ngày nay khu vực đông người lên xuống nhất trung bình trong một ngày là 392,196 lượt (số liệu 2007 Toranomon - Shinbashi) 

Nội thất nhà ga hiện đang được cải tạo theo hơi hướng truyền thống kết hợp hiện đại đậm dấu ấn từng khu vực đoàn tàu đi qua: 
Trend: Shibuya - Aoyama itchoume
Business: Akasaka mitsuke - Shinbashi
Ginza
Phố thương nghiệp: Kyobashi - Mitsukoshi mae
Shita machi: Kanda - Asakusa
(Shitamachi là cụm từ chỉ khu phố lao động, buôn bán từ thời Edo, cách biệt với tầng lớp quý tộc, vua chúa ở Yamanote không chỉ qua cao độ địa lý của vùng đất, mà còn là giai cấp trong xã hội.)




Sơ đồ ga của ga Ginza:

 Thông tin chi tiết có thể tìm thấy ở trang chủ của Tokyo Metro

Với những đặc thù có một không hai, Ginza line hầu như trở nên lỗi thời giữa những cải tiến liên tục của kỹ thuật tàu điện và "tuyến không thể nối dài" cũng như vận tốc 65 km/h rùa bò trở thành một thực tế buộc phải chấp nhận của những hành khách hằng ngày sử dụng line tàu này. Tuy nhiên có hề chi, giữa một Tokyo vội vã, thay đổi qua từng ngày, vẫn còn đây một chuyến tàu hoài cổ, mang theo nó những giá trị lịch sử của riêng mình.

Xin chân thành cám ơn các bạn đã theo dõi và hẹn gặp lại ở kỳ tới với Marunouchi line (@^^)/~~~

Sunday, December 20, 2015

Mud - 泥 - Bùn

Vậy là sau một thời gian dài cùng với hàng loạt những thay đổi, cuối cùng thì bài mới cũng đã được lên hàng. Đôi khi mình cũng đã nghĩ rằng bài này chắc chẳng bao giờ lên nổi vì nó đòi hỏi tốn quá nhiều thời gian cho phần dịch lẫn movie và làm sub, mà thời gian thì tình hình hiện tại khó kiếm ra như gì vậy @@ tuy nhiên cuối cùng thì cũng xong cái clip ưng ý, khớp truyện và cho ra lò, có thể xem là bài cuối trong series-sinh-vật kì quặc này ( thực ra còn bài Shita - Lưỡi, nhưng mình ko định dịch bài đó)

link toàn phần series:
http://eckngaifansub.blogspot.jp/2015/08/otetsu-legendary-series-core-shell.html

Mud - 泥 - Doro



Đúng là quay đi quay lại, trở về với mục đích ban đầu vẫn là dễ chịu nhất mặc dù hồi đó không ít lần tự hỏi có nên tiếp tục hay không, vì nó mang lại cho bản thân điều gì. Câu trả lời, giờ đây nhận ra, chính là những trải nghiệm khi dịch.
Một bài dịch thô qua, chẳng hiểu gì sất:

"Cõi lý tưởng nhàu nát mục rữa chìm vào quá khứ sau làn sương mờ.
Văng vẳng quanh đây tiếng của những loài côn trùng đói khát đang kéo nhau đổ về.

Ôm cái đầu đã lấm lem bùn đất, cùng cơn đau nhức dai dẳng kéo dài, khẩn nài van xin sự tha thứ.
Hướng cái nhìn trân trối về một thi thể nằm bất động, biết chắc rằng ngày tái sinh không bao giờ đến"

để ra được đoạn văn này thì bản dịch gốc của nó chỉ có bây nhiêu (bao gồm cả hiểu nhầm từ) - đã được đăng trước đó


"Cõi lý tưởng đã tan trong sương mờ. Những loài côn trùng bị gián đoạn việc gặm nhấm đang kêu réo. Chúng đập vỡ cái đầu đã phết đầy bùn đất, và cầu xin sự tha thứ, rồi nhìn chằm chằm vào cái thi thể không bao giờ có thể hồi sinh được nữa...
Nắm lấy bàn tay đang vươn ra, nhưng từng chút một vẫn cứ dần lấm bẩn. Việc xây đắp ngôi mộ dành cho ai đó, giờ đây đã quá dơ bẩn rồi..."



Phần đầu bài hát chính là tiếp theo của Hole, và phần kết thúc của bài này chính là phần chuyển để đến với bài Corpse. Phần kết cũng là tiêu điểm mang tính đặc trưng về triết lý viết lời nhạc của otetsu:

Những kẻ bắt đầu bước vào cuộc hành trình,
những cánh bướm chấp chới lượn vòng,
hay những con quạ miệt mài đào bới bãi rác,
chẳng phải đang cùng tồn tại trong thế giới này sao.
Rồi chúng cũng trở về với bùn đất, và khi phải mang thân thể dơ bẩn lem luốc thế này, việc được ai đó la rầy hay trách cứ đã không còn

Ba hình ảnh được anh đưa ra, đặc trưng cho 3 cách sống, à, cũng không hẳn, mà là đặc trưng cho ba cuộc đời, một là đã xác định con đường trước mặt và tràn đầy nhựa sống, một là những con bướm chỉ lượn vòng quanh, không mục đích và lạc lối, và một là những con quạ đào bới bãi rác tìm thức ăn. Tất cả rồi cũng về với bùn đất, thân thể lấm lem. Thêm nữa là lần này không phải như những lần trước đây, lỡ một ai đó thấy mình trong bộ dạng lem luốc như vậy, chắc chắn sẽ bị la rầy. Chỗ này là くれる nhé, được la rầy - thể hiện một thái độ trân trọng nhất định của người nói với hành động được nhận từ phía người khác... 
Đây là phần hoàn toàn khớp và mở đầu cho bài Corpse, trong bối cảnh một linh hồn ngồi nhìn cái xác của mình rã ra thành từng phần (ở đây mới lấp lại thì phải cho nên còn dính toàn bùn @.@ bài trước, Hole, là đào lỗ =.=)

Friday, October 16, 2015

Thorn - 荊

Link bài viết và thứ tự toàn series:
http://eckngaifansub.blogspot.com/2015/08/otetsu-legendary-series-core-shell.html

Sợi chỉ nối giữa hai ta đó... thân thương quá có phải không?
Cõi không tưởng hai ta đang chắp bút cùng nhau vẽ lên đó, biết xóa bỏ đến bao giờ thôi.
Sự hy sinh phải hứng chịu bằng cả tấm thân đó, quá sâu nặng và vẫn in hằn.

Gì đây? Tiểu thuyết ngôn tình à? Không, hoàn toàn không @@ Thế... sao lại ra "nông nỗi" này T__T .....
Về nguyên bản của bài hát này, với phong cách viết lời như vậy thì không phải ai khác hơn, người hát chính là Miku - chuyên trị nhạc "sến". Tuy nhiên vì một lý do nào đó trong album Under, cả Thorn lẫn Proof đều được tác giả chuyển-giao hết cho Gumi. Cá nhân người dịch thì thấy quả là Gumi hát hay hơn thật, tuy nhiên chất "sến" đã không còn, nhất là phần điệp khúc :(
Ngay câu đầu bài, có đoạn chơi chữ:

Kono ito (sợi chỉ) ito    shii (thân thương) - nếu nghe không mà không đọc lời thì tưởng toàn chỉ với chỉ vì cái đuôi shi i  bị ngắt ra hát lâu lắc @.@





Ô kìa, cứ thế từng chút một đang trở nên đen tối, dần dà không còn gì có thể ngăn cản. Ôi những tội lỗi và bất an bao trùm!
Lòng đã biết, sẽ không thể quay đầu...
không thể thay đổi...
không thể đưa tất cả trở về thuở ban sơ
khi đã nằm gọn giữa lòng bóng đêm.

Phần tiếp theo của series Sinh vật, sau Lõi, Vỏ, bây giờ đến Gai. Rock guitar đặc trưng, không nặng như Core, nghe dễ điên cuồng. Tuy nhiên nội dung lại khác hẳn hai phần trước và khá dễ hiểu, chỉ cần đọc qua là phần dịch thô đã xong ngay trong... một nốt nhạc @.@ Dù gì đây cũng là một trong số những bài hát đã nghe đến mòn tai từ những ngày đầu vớ phải album này, và cũng vì phong cách nhạc gần giống nhau nên cứ lộn với Mud và Tongue hoài.  

Những dịu dàng phút chốc ập đến, rồi bén rễ sâu trong lồng ngực, để ngày nào đó hóa ngàn mũi gai đâm kín trái tim.
EM, đang cắn nát sợi chỉ đã tan tác ngày nào.
Còn TÔI, chỉ một chút thôi, đã cố vươn dài cánh tay...

Dù chỉ một chút thôi, đã cố vươn dài cánh tay.

Ở đây, 吐いた優しさ: haita yasashisa - động từ này nguyên nghĩa thông dụng nhất trong từ điển là... "Ói, nôn, mửa" @.@ Nghĩa bóng được dùng để chỉ một hành động giống như đưa món gì mà người ta không ưa lên đến tận miệng. Hay nói cách khác câu đầu trong điệp khúc nếu dịch sát nghĩa sẽ là: Những dịu dàng người nôn ra cho tôi, bla bla bla...

Tuy nhiên hình ảnh hay nhất của bài này vẫn là hai câu cuối, liền mạch với đoạn "tiểu thuyết ngôn tình" khúc đầu bài, hai điều hoàn toàn đối lập: EM, (thể hiện tại) đang cố gắng cắn nát sợi chỉ định mệnh nối giữa hai người. Còn TÔI, chỉ một chút thôi (cái này tsundere, chút gì mà chút), đã cố vươn dài cánh tay (thể quá khứ).

Tuesday, September 29, 2015

Seed - 種 - Hạt giống

Xin cảm ơn các bạn đã ủng hộ channel suốt thời gian qua. Sắp tới, vì phải thay đổi môi trường sống khá nhiều nên channel sẽ hoạt động chậm lại so với tiến độ trước giờ. Hãy tiếp tục ủng hộ channel nhé!

Thanks for all of your concern during the time here. From next month, due to some indispensable changes in my life, it will take more time for a new translation to be released. Don't forget to catch up new releases!

傍にいて、ありがとうございました。\Nこれから、変わる環境と生活で、\N新しい動画は前より少し時間がかかるようになりました。宜しくお願いします。



Bài ngắn, cực kỳ ngắn, ngắn nhất trong số các bài hát của otetsu. Chỉ vỏn vẹn 2 câu, ngắt ra hát thành 4 đoạn. Trong đó, cả câu sau là bê nguyên xi một câu trong... kinh Phật và lyrics được ghi hoàn toàn bằng tiếng Hán y chang trong sách kinh của Trung Quốc @@ Báo hại người dịch phải sục sạo khắp các trang giải nghĩa về kinh Phật trong tiếng Nhật để biết cách đọc cũng như ý nghĩa của câu này.

Câu đầu tiên cùa bài hát, dịch đúng ra (như tiếng Anh) là "nét thanh bình trên gương mặt Đức Phật" - tuy nhiên sợ "phạm húy" nên người dịch không dám để trong sub.
Câu thứ 2 trong bài hát chính là câu đầu tiên trong cặp câu trong bài giảng kinh nói về cuộc sống:

"Bất vũ hoa do lạc - Vô phong nhứ tự phi"

Dịch:
Mưa không về thì hoa vẫn sẽ tự rơi
Gió không thổi thì nhụy hoa vẫn bay

Tạm hiểu theo nghĩa rộng là con người, dù không bị tác động nào cả, một ngày nào đó cũng sẽ nằm xuống, nhưng sự sống thì không cần ai vun đắp, nó vẫn sẽ tự sinh sôi.

Tuy nhiên câu thứ hai trong cặp câu này lại không được tác giả đề cập đến trong bài hát mà lại để chúng ta tự tìm hiểu ra ý nghĩa của nó. Đó cũng chính là tựa của bài, cũng là tựa của cả album, Seed, Hạt giống, không cần tác động, sự sống, bằng cách nào đó, vẫn sẽ tiếp tục...

P/S: ban đầu chọn vì có nhiều khoảng trống để chèn vài điều muốn nói vào, không ngờ lại là bài hát theo kinh Phật@.@